Khởi đầu cho thành công

Thương mại điện tử và cầu nối với tiệm tạp hóa

Hàng hàng ngàn tiệm tạp hóa ở các nước châu Á đang hợp tác mua bán hàng với các nền tảng thương mại điện tử, mang đến trải nghiệm mua sắm đa kênh cho khách hàng, theo tờ Nikkei Asian Review.

Tiệm tạp hóa, cầu nối cho kênh bán hàng trực tuyến


Sridhar Gundaiah, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành StoreKing, công ty khởi nghiệp mang thương mại điện tử đến cho khách hàng ở vùng nông thôn Ấn Độ bằng cách trang bị máy tính bảng cho các cửa hàng tạp hóa đối tác. Ảnh: Times of India

Đối với chị Renuka, 36 tuổi, đang sinh sống cách phía tây nam TP. Bangalore (Ấn Độ) 110km, công việc mua sắm giờ đây trở nên tiện lợi hơn rất nhiều sau khi một tiệm tạp hóa ở địa phương chấp nhận dịch vụ từ StoreKing, một công ty khởi nghiệp mang thương mại điện tử đến các tiệm tạp hóa ở vùng nông thôn Ấn Độ.

Tiệm tạp hóa ở ngôi làng của chị thường chỉ bán những mặt hàng cơ bản như dầu gội, xà phòng, nước giải khát. Nhưng giờ đây, chị có thể đến tiệm tạp hóa này để nạp tiền điện thoại trả trước trực tuyến cũng như chuyển tiền trực tuyến nhờ dịch vụ của StoreKing.

Trước đây, nếu có những nhu cầu này, chị phải đến một thị trấn cách ngôi làng chị 20km.
Renuka cũng có thể mua những mặt hàng văn phòng phẩm như bút vẽ màu nước cho con cái và kem dưỡng da Lakme tại tiệm tạp hóa ở làng chị nhờ nền tảng của StoreKing.

Được thành lập vào năm 2012, StoreKing đang cung cấp máy tính bảng cho chủ tiệm tạp hóa để họ đặt mua hàng giá sỉ cũng như giúp khách hàng trải nghiệm thương mại điện tử.

Khách hàng đến tiệm tạp hóa hợp tác với StoreKing có thể chọn mua các sản phẩm từ danh mục hàng hóa hiển thị trên máy tính bảng và thanh toán tiền ngay tại chỗ.

Chủ tiệm tạp hóa sau đó đặt mua các sản phẩm này từ nền tảng của StoreKing. Vài ngày sau đó, sản phẩm sẽ được giao đến tiệm tạp hóa để khách hàng đến nhận. Chủ tiệm tạp hóa sẽ được hưởng hoa hồng khi bán hàng cho StoreKing.

Tại Ấn Độ, nơi 70% dân số sống ở gần 650.000 ngôi làng, các tiệm tạp hóa vẫn hợp thời trong thế kỷ 21 vì các ông lớn bán lẻ đang gặp phải các khó khăn về logistics khi tiếp cận khu vực nông thôn.

Công ty thương mại điện tử lớn thứ 3 Ấn Độ Paytm Mall cũng đang gia nhập cuộc chơi bán hàng đa kênh. Khi khách hàng đặt mua sản phẩm trên ứng dụng Paytm Mall, hàng sẽ được gửi đến cho một tiệm tạp hóa đối tác của Paytm Mall ở khu vực gần nhà của khách hàng.

Vijay Shekhar Sharma, người sáng lập Paytm, công ty mẹ của Paytm Mall, nói: “Chúng tôi muốn trở thành nhà cung cấp công nghệ cho các tiệm tạp hóa nhỏ, nơi chúng tôi đang giúp họ tham gia thị trường thương mại điện tử. Mô hình kinh doanh của chúng tôi thực sự đã đưa các tiệm tạp hóa nhỏ gia nhập kênh thương mại điện tử”.

Loại bỏ kênh phân phối trung gian

Tại các khu vực châu Á đang phát triển, các công ty khởi nghiệp nhận thấy vai trò quan trọng của các tiệm tạp hóa ở các khu vực nông thôn và đang mang đến sự hỗ trợ công nghệ cho họ. Dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho thấy ở những nước như Ấn Độ và Indonesia, các tiệm tạp hóa và cơ sở bán lẻ nhỏ đóng góp hơn 80% cho doanh thu bán lẻ.

Tại Indonesia, các kỳ lân khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử như Tokopedia và Bukalapak cũng tiên phong làm cầu nối cho mua sắm online và offline.

Các tiệm tạp hóa gia đình ở Indonesia, hay còn gọi là warung, đặt mua hàng hóa từ nền tảng của Bukalapak, cho phép họ giảm chi phí nhờ loại bỏ các kênh phân phối trung gian. Bukalapak cũng hoàn một phần tiền nhỏ nếu các tiệm tạp hóa sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử của ứng dụng Bukalapak để trả tiền hàng. Ngoài ra, Bukalapak cam kết sẽ hoàn một phần tiền nếu đơn hàng đặt vào buổi sáng nhưng vẫn chưa được giao vào cuối ngày hôm đó.

Cuối năm ngoái, công ty thương mại điện tử Tokopedia đã giới thiệu một ứng dụng có tên gọi Mitra Tokopedia, cho phép các cửa hàng nhỏ và các tiệm tạp hóa bán các sản phẩm kỹ thuật số như các gói dữ liệu, thẻ game, thẻ tiền điện trả trước...từ ứng dụng này.

Ứng dụng cũng cho phép các tiệm tạp hóa đặt mua sỉ hàng hóa để bổ sung cho kho hàng của họ. Tính năng này hiện chỉ áp dụng hạn chế cho một số khu vực nhưng sẽ được mở rộng trong ít tháng tới.

Một đối thủ mới tham gia hỗ trợ công nghệ cho các tiệm tạp hóa ở Indonesia công ty khởi nghiệp Warung Pintar. Công ty này trang bị những ki-ốt thông minh cho chủ tiệm tạp hóa với chi phí 5.000 đô la. Các ki-ốt này được trang bị một màn hình có kết nối Wi-Fi và camera giám sát. Các chủ tiệm tạp hóa cũng được Warung Pintar cấp cho các máy tính bảng, giúp họ theo dõi doanh thu, hàng tồn kho và đặt mua hàng hóa.

Warung Pintar chỉ mới thành lập năm 2017 nhưng giờ đây đã đón nhận sự hợp tác từ hơn 1.000 chủ tiệm tạp hóa . Công ty này cho biết trung bình mỗi chủ tiệm tạp hóa đạt mức thu nhập cao hơn 40% so với trước đây nhờ sử dụng ki-ốt thông minh và các dịch vụ Warung Pintar.

Agung Bezharie Hadinegoro, người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Warung Pintar, cho biết: “Các tiệm tạp hóa là điểm trung tâm của các cộng đồng người dân Indonesia trong nhiều thế kỷ. Là mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, các tiệm tạp hóa không chỉ là nơi mọi người thực hiện các giao dịch mà còn là nơi mà người dân địa phương gặp gỡ, trò chuyện. Chúng tôi tin rằng nếu được hiện đại hóa, các tiệm tạp hóa vẫn duy trì như là trung tâm kết nối gần gũi của các cộng đồng địa phương”.

Deepika Chandrasekar, nhà nghiên cứu ở Euromonitor International, lưu ý rằng ở các thành phố nhỏ hơn, nơi các nhà bán lẻ lớn chưa xâm nhập, các tiệm tạp hóa đang ngày càng được yêu chuộng vì họ chăm sóc các khách hàng có thu nhập thập và hoạt động dựa vào các mối quan hệ cá nhân giữa chủ tiệm tạp hóa và khách hàng.

Chandrasekar nhận định mô hình tiệm tạp hóa truyền thống sẽ còn tiếp tục phát triển vì phần lớn dân số Indonesia sống ở các vùng nông thôn và các làng quê.

Tại Philippines, thị phần của các tiệm tạp hóa đang bị bào mòn dần trước sự trỗi dậy của thương mại điện tử và các nhà bán lẻ lớn.

Dữ liệu của Euromonitor International cho thấy trong năm 2018, các nhà bán lẻ truyền thống này đóng góp 68% tổng doanh thu thị trường tạp hóa và thực phẩm ở Philippines, giảm 5% so so với 5 năm trước đó.

Để giúp các tiệm tạp hóa thích ứng với xu hướng mua sắm mới, công ty khởi nghiệp Growsari, được thành lập vào năm 2015, đang tìm cách loại bỏ khâu phân phối hàng hóa trung gian để giúp tăng gấp đôi thu nhập cho một triệu tiệm tạp hóa ở Philippines. Các tiệm tạp hóa có thể đặt mua 4.000 mặt hàng tiêu dùng từ nền tảng của Growsari và được giao hàng miễn phí ngay ngày hôm sau. Bằng cách tập hợp đơn hàng từ nhiều tiệm tạp hóa, Growsari có thể đặt mua hàng hóa với mức giá rẻ hơn từ các công ty lớn.

Growsari cũng sử dụng công nghệ để kết nối hàng triệu tạp tiệm hóa với nhau và tập hợp thông tin cũng như các dữ liệu bán hàng của họ. Sau đó, Growsari sẽ bán thông tin này cho những công ty muốn tìm hiểu thói quen mua sắm của khách hàng. Ngoài ra, Growsari còn cung cấp những khoản vay nhỏ cho các chủ tiệm tạp hóa để họ mở mang kinh doanh.
Công ty này cho biết đang chuẩn bị triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử, chuyển tiền kiều hối, cho vay, bán bảo hiểm, thiết kế cửa hàng...

Tại Việt Nam, hình thức hợp tác bán hàng giữa các tiệm tạp hóa và các nền tảng thương mại điện tử vẫn chưa xuất hiện. Song các tiệm tạp hóa ở vùng đô thị đang tìm cách thích ứng với thời đại công nghệ số bằng cách sử dụng các phần mềm quản lý bán hàng.

Hiện tại, có hàng chục công ty đang bán hoặc cho thuê phần mềm quản lý bán hàng như KiotViet, BizStore , Sapo, Misa, Suno, Ecount, …

Các phần mềm này giúp các tiệm tạp hóa theo dõi và quản lý nhập xuất hàng, tồn hàng, báo cáo doanh thu theo ngày, tuần, tháng, quí hay năm, quét mã vạch, đánh giá hiệu quả bán hàng của nhân viên... từ đó hạn chế thất thoát, gian lận giúp việc kinh doanh ổn định hơn.

Phần mềm có 2 loại: cài đặt cố định và dùng trên nền tảng Internet. Hiện nay phần mềm trên nền tảng web được sử dụng phổ biến hơn do có thể sử dụng trên bất cứ máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động nào có kết nối Internet.

 

Theo tinnhanh247.net